2 thg 8, 2007

Phát triển nguồn nhân lực: Chuyên gia CNTT là ai?

Unknown
Mặc dù số lượng ĐH Việt Nam đào tạo ngành CNTT tăng nhanh nhưng số lượng cử nhân đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Cần cắt nghĩa khái niệm “chuyên gia CNTT ở các trình độ khác nhau”

Phải chăng, đã theo học ngành CNTT thì cái đích cứ phải là DN, tổ chức về CNTT? Hẳn rằng, đó là một nhận thức không đúng vì nếu bước sang một môi trường khác như pháp luật thì đâu phải tất cả cử nhân luật trở thành luật sư mà chỉ có một thiểu số thực sự có năng lực chuyên môn cùng với bản lĩnh nghề nghiệp mà thôi. Cũng vì thế, tại một hội thảo về nguồn nhân lực CNTT tổ chức năm 2005, TS Mai Liêm Trực, thứ trưởng thường trực Bộ BCVT khi đó đã đưa ra quan điểm ngược lại với các DN phần mềm rằng: không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT đều có thể tham gia làm phần mềm mà số đông phải đi phục vụ các nhu cầu đa dạng của xã hội về ứng dụng CNTT.

Cũng cần lưu ý rằng Chỉ Thị 58-CT/TW của Bộ Chính Trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đặt ra mục tiêu là “đến năm 2005 ít nhất phải đào tạo thêm được 50.000 chuyên gia về CNTT ở các trình độ chuyên môn khác nhau, đạt chỉ tiêu về số lượng (tính trên 10.000 dân) và chất lượng chuyên gia trong lĩnh vực CNTT ngang với mức bình quân của các nước trong khu vực”. Có lẽ, chúng ta cần phải cắt nghĩa cho rõ cụm từ “chuyên gia về CNTT ở các trình độ khác nhau”. Có thể hiểu rằng chuyên gia CNTT ở các trình độ khác nhau có sự bao hàm rất rộng; nếu chỉ đề cập đến cử nhân, kỹ sư CNTT và đội ngũ lập trình viên là chưa đủ mà còn thiếu rất nhiều thành phần khác.

Cũng cần lưu ý thêm, nếu căn cứ theo mục tiêu của Chỉ Thị 58-CT/TW thì ứng dụng CNTT là yếu tố quan trọng trước tiên. Nếu chỉ đào tạo nhân lực theo cách thức “hàn lâm”, quá tập trung hướng tới những mục tiêu phát triển thì e rằng sẽ rất thiếu đội ngũ làm ứng dụng. Đơn giản nhất trong đó chính là nguồn nhân lực có đủ chuyên môn và nghiệp vụ để đào tạo người sử dụng. Nhìn nhận về vấn đề này cách đây 10 năm trên cương vị chủ tịch Hội Tin Học Việt Nam, TS Nguyễn Quang A cũng từng đề cập: nếu không có người sử dụng thì phần mềm làm ra có tốt đến đâu cũng sẽ không bán được cho ai.

Vậy, khái niệm “chuyên gia về CNTT ở các trình độ khác nhau” còn bao hàm những thành phần nào nữa ngoài đội ngũ có đủ trình độ để đào tạo người sử dụng? Khi nói về bài học không đạt được mục tiêu 500 triệu USD của ngành phần mềm năm 2005, GS Chu Hảo, nguyên thứ trưởng bộ KHCN, một trong các tác giả của bản đề án, cũng nhìn nhận rằng: nguồn nhân lực để làm được việc đó không chỉ là cử nhân, kỹ sư CNTT, lập trình viên mà còn phải có cả những đội ngũ bác sĩ, kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư... có đủ tri thức cần thiết về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực của mình.

Để ứng dụng được CNTT cho một lĩnh vực chuyên môn nào đó thì nguồn nhân lực cho nó chắc chắn phải tích hợp được cả chuyên môn lẫn yếu tố CNTT. Điều có thể thấy rõ trong giai đoạn hiện nay chính là với thị trường chứng khoán đang hết sức sôi động. Thực tế là đã có một số trục trặc xảy ra với hệ thống máy tính của trung tâm Giao Dịch Chứng Khoán TPHCM và một số công ty chứng khoán. TS Đỗ Đức Cường, Việt kiều Mỹ, chuyên gia về hệ thống mạng tài chính đang làm việc cho Ngân hàng Đông Á (EAB) cho biết là do con người không hiểu được các tính năng của nó để vận hành. Còn về kỹ thuật thì hệ thống giao dịch trực tuyến chứng khoán Việt Nam hiện cũng rất hiện đại với chi phí đầu tư hàng trăm triệu USD mua của nước ngoài.

Đào tạo CNTT theo nghĩa rộng?


Khi chương trình Quốc Gia về CNTT giai đoạn 1996 - 1998 ra đời, ban chỉ đạo chương trình chỉ đặt mục tiêu phát triển 7 khoa CNTT trọng điểm tại các ĐH Bách Khoa, ĐHQG Hà Nội và TP.HCM, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng và ĐH Cần Thơ. Tuy nhiên, số trường tham gia đào tạo cử nhân, kỹ sư CNTT trong cả nước đã lên đến hơn 100 trường (theo báo cáo Toàn Cảnh CNTT-TT Việt Nam của Hội Tin học TP.HCM năm 2003, đến nay chắc chắn còn nhiều hơn nữa).

Ngày 6/4/2004, Thủ Tướng Chính Phủ đã có quyết định phê duyệt chương trình Phát Triển Nguồn Nhân Lực CNTT đến 2010 và điểm mới trong đó là trong 6 nội dung của chương trình có đề cập đến việc đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho các chuyên ngành và đào tạo CNTT cho hệ thống dạy nghề. Căn cứ vào đó, sự cụ thể hoá cho đào tạo CNTT với các chuyên ngành đã có thể có được một đường hướng nào đó.

Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay Bộ GDĐT và các nhà trường nhìn chung vẫn chưa đưa ra một kế hoạch tổng thể nào cho việc này.
Vậy còn với các ngành học khác thì sao? Sau khi bộ Chính Trị có Chỉ Thị 58-CT/TW, bộ GDĐT là một trong hai bộ đầu tiên đã chủ động có Chỉ Thị 29/2001/CT-BGDĐT (ra đời ngày 25/7/2001) chỉ rõ vai trò điều phối của bộ và các nhiệm vụ phải thực hiện với các địa phương, nhà trường... Tuy nhiên, một quan chức có trách nhiệm của bộ GDĐT cho biết từ đó đến nay, ông không hề nhận được một bản kế hoạch tổng thể về CNTT của bất cứ một địa phương hay đại học nào của ngành GDĐT (có lẽ vì trong Chỉ Thị mà bộ GDĐT đề ra đã không có điều khoản nào bắt buộc họ phải thực hiện).

Cho đến nay, hiện trạng đào tạo CNTT ở các trường đại học thuộc khối xã hội và nhân văn dường như vẫn chỉ xoay quanh các kiến thức về hệ điều hành, soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử... Việc ra đời các chương trình đào tạo tin học mang tính chuyên ngành cho ngôn ngữ học, xã hội học... vẫn chưa nhúc nhích là bao. Có chăng với ngành học báo chí, do sức ép của thời đại CNTT nên việc đào tạo cử nhân báo điện tử đã được bắt đầu từ năm 2005. Tại các đại học thuộc khối nghệ thuật, một số trường đã được trang bị các hệ thống máy tính chuyên dụng, đắt tiền như ở Nhạc Viện Hà Nội, ĐH Sân Khấu Điện Ảnh... Tuy nhiên, làm thế nào để khai thác cho có hiệu quả các trang thiết bị đó cùng việc để có được chương trình giảng dạy thì còn là cả một vấn đề dài lâu...


Theo PC World VN

About the Author

Unknown / Author & Editor

Has laoreet percipitur ad. Vide interesset in mei, no his legimus verterem. Et nostrum imperdiet appellantur usu, mnesarchum referrentur id vim.